Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2009

Lười diện


Cô đạt được một suất đi dự sinh nhật Công ty. Vinh dự lắm, vì không phải ai cũng có phần.  10 niên tròn,  nên buổi dạ tiệc sẽ được tổ chức rất hoành tráng ở một nhà hàng đẳng cấp W. Cô đã lười chưng diện không biết tự lúc nào , cô lại càng  không thích những loại đầm dài chấm đất, làm cô vướng víu mất tự nhiên.  Cô thấy mình hợp với những chiếc váy ngắn, đơn giản, như chính cô. Nhưng lần này thì … Cô  vướng vào trang phục bắt buộc khi đi dự một buổi tiệc trang trọng.  

Con gái cô cứ phê bình cô …  nhà quê, và thường hay "tư vấn" cho cô cách ăn mặc sao cho hợp thời . Cô thì quan niệm cái đẹp là sự kết hợp  hài hòa từ kiểu dáng đến màu sắc, không cần  thời thượng. Đôi lúc trong cô lại hiện diện cái cảm giác so sánh về sự cần thiết của nó so với nét đẹp nội tâm.   Bỗng một ngày chợt nhói lòng khi soi mình trong gương, cô  thấy mình … xấu xí thật, trong khi dấu vết thời gian đã chớm hình thành trên gương mặt vẫn còn non choẹt của cô (cô hay nghe mọi người nói thế).  Lịch sự, đẹp mắt là một lợi thế rất lớn trong giao tiếp.  Cô biết điều đó , nhưng cô mơ màng quá, không thực tế chút nào . Và suy nghĩ đó cứ song hành mãi bên cô, cho đến tận bây giờ… 

Cuộc sống vốn có nhiều ngã rẽ. Đôi khi  làm những quan niệm cũ và mới trong cô dằn xé nhau, đối đầu nhau. Nhưng, có một điều lạ.  Hôm nay , đã sát ngày dự tiệc, cô mới chịu tìm trang phục.  Một chiếc đầm dạ hội nằm dưới đáy tủ (của chị cô đem về VN cho  cô đã mấy năm về trước)  được lấy ra  treo trên móc áo . Nhìn chiếc áo cầu kỳ, hở lưng, hở vai, cô cũng miễn cưỡng ướm vào người. Thật ngạc nhiên, người trong gương bỗng thấy kiêu sa, mệnh phụ ...   Cô cứ đứng ngây ra ngắm nghía trước gương, xoay tới , xoay lui. Thật lạ, cô bỗng thấy mình … đẹp hơn, tự tin hơn, đài các hơn…  

Nhưng, cô vẫn … lười diện. Cô thấy  không thoải mái với chiếc đầm đỏ bordeaux sang trọng này . Một người thân trong gia đình cô sắp phải đi xa, không biết ngày nào … 

Cô xếp chiếc áo lại, hẹn lần sau. Và cô đã chọn một chiếc áo đơn giản. 

Niềm vui, nỗi buồn thường song hành bên cô. Cuộc đời cô vốn thế …     

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2009

Thầy còn nhớ con không?


Có một chiều tháng năm



“Thầy có nhớ con không…?”

tôi giật mình nhận ra người đàn ông áo quần nhếch nhác
người đàn ông gầy gò ngồi sau tủ thuốc ven đường
“thầy còn nhớ con không…?”
câu lặp lại rụt rè rơi vào im lặng
hoa phượng tháng Năm rơi đầy vỉa hè
rụng xuống trên vai người thầy học cũ
“không… xin lỗị.. ông lầm…
tôi chưa từng dạy học
xin thối lại ông tiền thuốc…
…cám ơn…”
cuộc sống cho ta nhiều quên, nhớ, vui, buổn
thầy học cũ mười năm không lầm được
thầy học cũ ngồi kia giấu mình sau tủ thuốc
giấu mình sau hoa phượng rụng buồn tênh
con biết nói gì hơn
đứa học trò tôn sư
người thầy cũ lại chối từ kỷ niệm
chối từ những bài giảng dạy con người đứng thẳng
biết yêu anh em – đất nước – xóm giềng
đứa học trò vào đời với trăm nghìn giông bão
bài học ngày xưa vẫn nhớ mãi không quên
bên hè phố im lìm
vành nón sụp che mắt nhìn mỏi mệt
câu phủ nhận phải vì câu áo rách
trước đứa học trò quần áo bảnh bao?
tôi ngẩn ngơ đi giữa phố xá ồn ào
những đưá trẻ con tan trường đuổi nhau trên phố
mười năm nữa đứa nào trong số đó
sẽ gặp thầy mình như tôi gặp hôm nay

  Đỗ Trung Quân

Mình có dịp đọc bài thơ này đã lâu lắm rồi, nhưng không nhớ tác giả là ai. Xin cám ơn BS ĐHN đã post lại bài thơ này ở một bài viết trên trang web của ông http://www.dohongngoc.com/web/goc-nhin-nhan-dinh/ke-tho-tren-xe-lua/

Bao nhiêu năm rồi, cuộc đời vẫn  méo mó, lại có phần "tàn bạo"  hơn, và vì thế,  cần lắm những cái tâm tròn như tác giả bài thơ ...  

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2009

Sao dạo này Zing và Nhacuatui cho nghe nhạc ... Đức hoài , nên cho bài hát minh hoạ đi ... Pháp luôn :)) Ai biết chỉ dùm cách nối mấy sợi nhạc nhe! Xin hậu tạ!

Niềm vui của riêng mình và mối bận tâm về người thân lại tồn tại song song. Một diễn viên cùng lúc có quá nhiều vai diễn! Thôi thì nhận vai nào, ráng diễn tốt vai đó vậy.

Gieo hạt dọc đường đi

Gieo hạt mỗi ngày


Đời là một chuyến đi không biết điểm đến. Rất ít ai đến được điểm mình dự định. Thông thường ta bắt đầu cuộc hành trình với một ý niệm đích điểm trong đầu, chỉ để nhận ra rất sớm là cuộc đời có rất nhiều chỗ rẽ bất ngờ, và sau một lúc thì ta chẳng chắc là đời ta rồi sẽ về đâu. Nhưng như vậy thì đời mới vui.

Nếu quan sát trẻ em và người già thì ta thấy rất giống nhau – cả hai cùng rất yếu về thể xác và cùng nhiều tình cảm hơn lý luận. Và ta bắt đầu từ bụi đất, sẽ trở về cùng bụi đất. Điểm cuối cũng là điểm khởi hành.

Khái niệm đường vòng này rất ích lợi trong kế hoạch sống của chúng ta. Nếu ta biết đời không phải là đường thẳng và ta có thể vòng lại điểm đã qua, thì tốt hơn là trên mỗi bước đi, ta nên ném ra vài hạt trái cây ngũ cốc bên đường, hy vọng là dọc đường sẽ mọc nhiều cây trái, để lúc nào đó ta vòng lại thì có thể đã có sẵn trái ngon chờ đợi! Đi đến đâu gieo hạt giống đến đó, tức là sống hôm nay mà trồng cho ngày mai đó, các bạn ạ.

Dĩ nhiên là không phải hạt nào cũng lên cây tốt. Nhiều hạt sẽ bị chim ăn, nhiều hạt sẽ chết đi, nhưng sẽ có một ít hạt nẩy mầm sinh cây. Và những cây này, biết đâu lại sinh hoa trái và chim chóc sẽ mang hạt của chúng gieo rắc hàng bao nhiêu dặm xa khắp nơi. Cuộc đời biến hoá vô lường, làm sao ta có thể đoán hết hậu quả của chỉ một hạt nẩy mầm, huống chi là khi ta gieo nhiều hạt mỗi ngày.


Chọn hạt tốt để gieo

Nếu sống khôn ngoan, thì ta gieo hạt trên mỗi bước đi.


Nhưng các hạt đó là những gì?

Thưa, chúng ta có thể chia các hạt ta có sẵn trong túi ra thành vài nhóm.


1. Những nụ cười, những lời cảm ơn, và những lời nói hiền dịu.


2. Tiền tài: nếu có thể cho ai một ít tiền, thì cho. Nếu có thể cho ai mượn ít tiền, thì cho mượn. Nếu có thể giúp ai đỡ đói một ngày, thì giúp.


3. Công việc: nếu có thể mách bảo ai một cơ hội làm ăn thì mách bảo. Nếu có thể chỉ ai có được một công việc thì chỉ. Nếu có thể dạy ai một cách kiếm tiền thì dạy.


4. Kiến thức: nếu có thể dạy ai đó biết đọc, biết làm toán, thì dạy. Nếu có tài năng gì đó có thể chia sẻ lại với mọi người thì chia sẻ. Nếu có kỹ năng sống nào đó có thể dạy lại cho mọi người thì dạy.


5. Đạo đức và triết lý sống: nếu ta đã có kinh nghiệm sống biết thế nào là đạo đức, thế nào là thiếu đạo đức, thế nào là tốt cho cuộc sống, thế nào là có hại, con đường nào sẽ đưa đến khổ đau, con đường nào sẽ đưa đến an lạc, thì hãy chia sẻ lại với anh chị em, nhất là những người ít kinh nghiệm sống hơn.


6. Cách tự sống vững trên hai chân: có lẽ điều tốt nhất ta có thể trao tặng một người là kiến thức và kinh nghiệm giúp cho người đó có thể tự sống, tự xoay xở, dù là họ có lọt vào bất kỳ tình huống khó khăn nào. Đây là cách giúp cho họ kỹ năng sống cũng như tự tin để sống mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Phần cốt cán của nó là tư duy tích cực.


Tất cả những điều này mỗi chúng ta đều đã có sẵn trong túi không ít thì nhiều. Chẳng tốn kém tiền bạc hay công lao chỉ để lấy ra vài hạt trong túi ném ra bên lề đường mình đang đi.


Và tất cả các hạt này đều chỉ nằm trong một gia đình thực vật lớn, gọi là “tình yêu”.


Nếu mỗi người chúng ta đều gieo hạt dọc đường thì sẽ có hai chuyện xảy ra. Thứ nhất, riêng cá nhân ta, một lúc nào đó ta sẽ hưởng được trái ngọt của hạt giống ta gieo hôm nay. Bắt buộc là như vậy. Càng gieo nhiều và càng sống lâu, xác suất được hưởng của ta càng tăng rất cao. Thứ hai, khi nhiều người gieo dọc đường, thì ai đi đâu, dọc đường nào, cũng đều có trái ngon chờ mình trên cây.


Chúc các bạn một ngày vui. Hạt nào bạn gieo hôm nay?

                                       Trần Đình Hoành ảnh Phạm Hoài Nam